Một số nội dung cơ bản về bình đẳng giới
5/25/2023 12:00:00 AM

Bình đẳng giới là một trong những quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân Việt Nam, được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật và trong các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết. 

1. Bình đẳng giới là gì?

Theo Luật Bình Đẳng giới hiện hành thì Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.

2. Ý nghĩa của bình đẳng giới

Quyền bình đẳng giới nhằm xóa bỏ phân biệt đối xử về giới; Tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế – xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ; đồng thời thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.

3. Ví dụ về bình đẳng giới

Luật lao động quy định nữ lao động được nghỉ 30 phút/ ngày (trong thời kỳ kinh nguyệt) và 60 phút/ ngày trong thời kỳ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi. những quy định này đảm bảo cho phụ nữ có thêm thời gian vệ sinh và cho con bú. Luật lao động cũng quy định, trong tuyển dụng người nam và nữ có trình độ ngang nhau thì người nữ sẽ được ưu tiên tuyển dụng.

Tỉ lệ lao động nữ thấp hơn lao động nam. Mức lương của lao động nữ vẫn thấp hơn, chỉ bằng khoảng 80% của nam giới. Thời gian phụ nữ dành cho lao động không công gấp đôi nam giới, cụ thể là việc nhà. Thì chính sách Nhà nước sẽ điều chỉnh sao cho phù hợp với sức lao động nữ và tiền lương tương đương. Điều chỉnh tuổi lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

4. Bình đẳng giới trong một số lĩnh vực

4.1. Trong hôn nhân gia đình
Nam và nữ bình đẳng trong quan hệ dân sự và quan hệ khác liên quan đến hôn nhân và gia đình. Nam và nữ có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong sử dụng nguồn lực, thu nhập chung của gia đình và quyết định liên quan đến nguồn lực của gia đình. Nam nữ bình đẳng trong việc quyết định và lựa chọn biện pháp tránh thai, kế hoạch hóa gia đình phù hợp, sử dụng thời gian nghỉ chăm sóc con. Con trai, con gái được gia đình chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện như nhau để học tập, lao động, vui chơi, giải trí và phát triển. Các thành viên nam nữ trong gia đình có trách nhiệm chia sẻ công việc gia đình.
4.2. Trong chính trị
 Nam, nữ bình đẳng trong tham gia quản lý nhà nước, tham gia hoạt động xã hội. Nam, nữ bình đẳng trong tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng hoặc quy định, quy chế của cơ quan, tổ chức.  Nam, nữ bình đẳng trong việc tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn chuyên môn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm vào cùng vị trí quản lý, lãnh đạo của cơ quan, tổ chức
Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị bao gồm:
Bảo đảm tỷ lệ thích đáng nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới;
Bảo đảm tỷ lệ nữ thích đáng trong bổ nhiệm các chức danh trong cơ quan nhà nước phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.
4.3. Trong lĩnh vực kinh tế
Nam, nữ bình đẳng trong việc thành lập doanh nghiệp, tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý doanh nghiệp, bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin, nguồn vốn, thị trường và nguồn lao động.
Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế bao gồm:
Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ được ưu đãi về thuế và tài chính theo quy định của pháp luật;
Lao động nữ khu vực nông thôn được hỗ trợ tín dụng, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư theo quy định của pháp luật.

5. Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới

Để thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam là một hành trình dài đòi hỏi sự nỗ lực của các cơ quan, bộ máy chính trị và mọi tầng lớp nhân dân. Có một số giải pháp cơ bản nhằm thúc đẩy bình đẳng giới ở nước ta như sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về bình đẳng giới.
Thứ hai, hoàn thiện và củng cố hệ thống quy định, pháp lý, thực hiện các chính sách, chủ trương nhằm thúc đẩy bình đẳng giới.
Thứ ba, thu hẹp khoảng cách về giới trong mọi khía cạnh của đời sống như trong gia đình, trong công việc, trong lĩnh vực chính trị – xã hội.
Thứ tư, tuyên dương, khen thưởng và lan rộng các mô hình tiêu biểu về bình đẳng giới, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền trong toàn thể nhân dân.

 

Tin liên quan
Liên kết Website
© 2015 Bản quyền thuộc về GPBANK